Đưa dần hàng triệu người có thu nhập vào diện đóng bảo hiểm bắt buộc

image 2

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất Quốc hội giao Chính phủ tùy từng thời kỳ đưa dần lao động có thu nhập ổn định, thường xuyên vào diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra đề xuất trên trong tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi gửi Chính phủ hồi tháng 7. Tính tới hết năm 2022, cả nước có hơn 17,4 triệu người đóng BHXH, đạt trên 38% lực lượng lao động, trong khi mục tiêu đến năm 2030 phải đưa 60% lực lượng lao động vào lưới an sinh.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dẫn số liệu quản lý của ngành thuế, cho hay năm 2018 có 20,1 triệu người phát sinh thu nhập tiền lương, tiền công giao dịch với cơ quan thuế, trong khi số đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) chỉ 12 triệu người, chiếm gần 60%. Hai năm sau, số phát sinh thu nhập có giao dịch tăng lên 21,4 triệu người nhưng đóng BHXH chỉ 13,4 triệu (chiếm 62,6%).

image 2
Ca làm việc của nhân viên phục vụ bếp trong nhà hàng tại TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Trước mắt, tờ trình bổ sung nhiều nhóm đóng bắt buộc so với dự thảo ban đầu sau khi nhận ý kiến góp ý của các đơn vị.

Cụ thể, nhóm chủ hộ kinh doanh có đăng ký; kiểm soát viên; quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước, quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương. Nhóm này sẽ đóng tỷ lệ 25%, gồm 22% vào Quỹ hưu trí tử tuất, 3% vào Quỹ ốm đau thai sản. Tiền đóng dao động 500.000 đồng đến 9 triệu đồng mỗi tháng căn cứ vào mức trần – sàn đóng BHXH bắt buộc.

Cơ quan soạn thảo lý giải nhóm này không hưởng tiền lương nhưng có thu nhập thường xuyên, ổn định. Cả nước có khoảng 2 triệu hộ kinh doanh với doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm và đang đóng thuế.

Đóng bắt buộc còn có lao động làm việc theo chế độ linh hoạt (không trọn thời gian); người có giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên khác nhưng thể hiện có trả công, tiền lương và giám sát của bên còn lại. Mức đóng, tỷ lệ đóng của nhóm này như luật hiện hành quy định. Khu vực bắt buộc hiện mới áp dụng với lao động có hợp đồng một tháng trở lên.

Người không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được đề xuất vào diện đóng bắt buộc thay vì ở khu vực tự nguyện như luật hiện hành. Cả nước có 270.400 người thuộc nhóm này, dự kiến ngân sách chi thêm 331 tỷ đồng mỗi năm nếu bổ sung chế độ BHXH bắt buộc.

Người không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn trước đó đã thuộc diện đóng bắt buộc, nay được đề xuất hưởng thêm quyền lợi ốm đau, thai sản. Cả nước có 86.000 người thuộc nhóm này và mới được hưởng hưu trí và tử tuất. Trong khi Trung ương đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho địa phương, khối lượng công việc của họ ngày càng nhiều, cần được hưởng thêm chế độ. Cơ quan soạn thảo tính toán kinh phí tăng thêm mỗi năm khoảng 73 tỷ đồng để đóng vào Quỹ ốm đau thai sản.

Gắn với Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương về đẩy mạnh cải cách tiền lương khu vực nhà nước, dự luật đề xuất sửa đổi các quy định liên quan “mức lương cơ sở”. Bởi nhiều chế độ hiện hành như dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, trợ cấp sinh con, trợ cấp mai táng, tử tuất đang được tính trên mức lương này. Việc sửa đổi theo hướng quy định bằng số tiền cụ thể, giao Chính phủ điều chỉnh các mức này khi tăng lương hưu, trợ cấp.

image 1
Ông cháu dạo chơi trên phố Tràng Tiền (Hà Nội). Ảnh: Giang Huy

Ngoài ra, tờ trình đề xuất hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 và giao Chính phủ căn cứ ngân sách, điều kiện kinh tế xã hội từng thời kỳ hạ sâu hơn nữa.

Điều kiện thụ hưởng là người trên 75 tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng. Thay vì 500.000 đồng như dự thảo ban đầu, tờ trình đề xuất mức trợ cấp do Chính phủ điều chỉnh tùy giai đoạn. Tiền chi trả từ ngân sách nhà nước. Theo tính toán, khoảng 800.000 đến một triệu người già được hưởng trợ cấp hưu trí lẫn bảo hiểm y tế nếu hạ tuổi.

Với lao động đến tuổi về hưu mà dưới 75 tuổi, đóng BHXH dưới 15 năm được chọn hưởng loại trợ cấp này cùng thẻ BHYT miễn phí. Mức hưởng tùy vào thời gian đóng, tiền đóng BHXH của người đó.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tính toán chính sách gia tăng người hưởng mà không tốn nhiều ngân sách bởi chỉ phải chi BHYT. Còn tiền trợ cấp cho nhóm này lấy từ Quỹ Bảo hiểm xã hội. Theo quy định hiện hành, nhóm không đủ điều kiện nhận lương hưu nên có thể rút BHXH một lần hoặc tự nguyện đóng thêm cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu

Dự luật đồng thời bổ sung hai phương án hưởng BHXH một lầnPhương án một, chế độ một lần sẽ giải quyết với hai nhóm lao động khác nhau. Người đóng BHXH trước năm 2025 vẫn được rút như luật hiện hành. Nhóm lao động bắt đầu tham gia sau năm 2025 (thời điểm luật sửa đổi có hiệu lực) không được rút.

Phương án hai là người tham gia BHXH dưới 20 năm, sau 12 tháng không tiếp tục đóng bắt buộc lẫn tự nguyện thì được rút nếu muốn. Song quyền lợi chỉ được giải quyết 50% tổng số năm đóng, một nửa còn lại được bảo lưu để tiếp tục tham gia hệ thống an sinh và hưởng chế độ.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi trình Chính phủ hôm 11/7, dự kiến trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.