Sinh viên nửa mừng nửa lo khi học phí đứng yên

image 11

Nghe tin mình có thể chỉ cần nộp 14,3 thay vì 55 triệu đồng học phí đại học mỗi năm, Văn Toàn vui mừng vì gia đình sẽ được giảm bớt áp lực tài chính.

Phạm Văn Toàn, quê Thái Bình, đạt 28 điểm tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua. Em đăng ký hai nguyện vọng đầu vào ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt của trường Đại học Y Hà Nội, nguyện vọng ba là ngành Y khoa, trường Đại học Y Thái Bình.

Theo kế hoạch của hai trường, Toàn sẽ phải trả 55 triệu đồng học phí một năm nếu trúng tuyển nguyện vọng một, 27,6 triệu khi đỗ nguyện vọng hai và 36,7 triệu đồng cho nguyện vọng ba, gấp khoảng ba lần học phí năm ngoái.

“Thu nhập từ việc kinh doanh tự do, chỉ tầm trung và không ổn định khiến bố mẹ em áp lực với mức học phí đại học dự kiến”, Toàn nói, cho biết gia đình đã dự tính cần 12 triệu đồng mỗi tháng, gồm cả tiền học, ăn ở nếu em vào Y Hà Nội.

Nỗi lo của Toàn và bố mẹ có thể được giải quyết, bởi theo thông báo ngày 31/7, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện dự thảo sửa đổi nghị định 81 về học phí công lập, theo hướng không tăng học phí năm học 2023-2024.

“Nếu đây là quyết định chính thức, em rất vui vì có thể tiết kiệm hơn 4 triệu đồng mỗi tháng cho bố mẹ”, Toàn nói.

Trên các diễn đàn sinh viên, chủ đề dự kiến không tăng học phí nhận được sự quan tâm lớn. Cũng như Toàn, hàng trăm người lên tiếng đồng tình, ủng hộ và chia sẻ niềm vui trước thông tin này.

Độc giả “hangcan36” của VnExpress cho rằng một gia đình có hai con học đại học sẽ mất khoảng 100 triệu đồng học phí mỗi năm, chưa tính chi phí khác.

“Đúng là áp lực cho cả thế hệ bố mẹ”, người này bình luận. Đây cũng là quan điểm của nhiều người khác.

Lê Như, quê Bình Định, tân sinh viên trường Đại học Công nghiệp TP HCM, là một trong số này. Em nói thở phào khi biết tin học phí đại học có thể giữ như năm ngoái.

Như kể, suốt quá trình lựa chọn trường đại học, học phí là một tiêu chí quan trọng mà em và chị gái – người nuôi em ăn học trong bốn năm tới – phải chọn đi chọn lại. Ngoài ngành học phù hợp, Như và chị gái là chỉ chọn chương trình đại trà để nhẹ gánh học phí, bởi nhóm này thường chỉ bằng một nửa so với hệ chất lượng cao.

Năm ngoái, học phí Đại học Công nghiệp TP HCM dao động 25-27 triệu đồng, dự kiến tăng lên 32,5 triệu đồng trong năm nay. Nếu giữ nguyên học phí như năm ngoái, khoảng chênh lệch 5-7 triệu đồng với Như cũng là một con số không nhỏ với tinh thần “đỡ được bao nhiêu hay bấy nhiêu”.

“Em đã dự tính học kỳ đầu sẽ làm quen mọi thứ để sang học kỳ sau có thể đi làm thêm để phụ chị tiền học phí, sinh hoạt nên khi biết học phí có thể không tăng, đỡ được một phần nào đó, em rất vui”, Như nói.

image 11
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Song, không phải tất cả sinh viên, gia đình đều vui mừng khi học phí dự kiến không tăng. Ngược lại, nhóm này e ngại về chất lượng đào tạo của các trường cũng không được cải thiện.

Chị Hà Thu, 44 tuổi, ở Phú Thọ, nói “cũng tốt” khi giảm chi được vài triệu đồng mỗi năm, nhưng bà mẹ hai con e rằng “không biết việc dạy và học của trường đại học có bị ảnh hưởng”.

Năm học tới, con gái lớn của chị Thu bước vào năm hai ngành Răng Hàm Mặt của trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, học phí 60 triệu đồng một năm. Con trai út chuẩn bị vào Đại học Bách khoa Hà Nội, học phí dao động 26-42 triệu đồng nếu học một trong hai ngành Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông hoặc Công nghệ thông tin Việt – Nhật.

“Tôi xác định mỗi tháng chi 30 triệu đồng cho hai con ăn học. Số này chiếm khoảng 70-80% thu nhập của gia đình, có thể nhiều hơn nếu con học thêm ngoại ngữ”, chị nhẩm tính.

Gia đình buôn bán tại nhà, chị Thu hiểu vật giá tăng hàng năm, nên học phí cũng không ngoại lệ. Nếu học phí không tăng, chị nghĩ đến chuyện trường sẽ không có kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, ảnh hưởng đến việc học.

“Nếu chỉ chênh lệch chút ít, tôi thấy bình thường, giống như việc mỗi phụ huynh đóng thêm vài trăm để lắp điều hòa cho lớp khi con học ở quê. Cái tôi quan tâm nhất là chất lượng đào tạo”, chị Thu nói.

Nỗi lo của chị Thu là có cơ sở, bởi hàng loạt trường đại học nói tình hình đào tạo, duy trì hoạt động sẽ rất khó khăn, nếu không được tăng học phí – phần chiếm tới 80-95% tổng nguồn thu.

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh trường Đại học Công thương TP HCM, cho biết ngân sách nhà nước đã bị cắt 100% từ khi trường tự chủ. Học phí giữ nguyên ba năm liên tiếp, nhưng theo ông Sơn, mọi chi phí đều đắt hơn giai đoạn 5 năm trước khoảng 20-30%. Lương cơ sở tăng kéo theo lương, phụ cấp của giáo viên tăng thêm gần 20 tỷ đồng một năm.

“Nếu không tăng học phí, các trường vốn đã khó khăn sẽ càng khó khăn hơn, thậm chí đứng trên bờ vực đóng cửa”, ông Sơn nói.

Biết tới tình thế của các trường, sau những giây phút vui mừng, Văn Toàn ở Thái Bình cũng lo khi nghĩ đến việc trường vì thiếu kinh phí sẽ cắt giảm các hoạt động thực tế, hội thảo.

“Không được thực hành hay học hỏi, chỉ học lý thuyết suông thì em sợ mình thành con mọt sách”, Toàn nói và mong nếu được thì học phí Y Hà Nội có thể “tăng nhẹ” lên khoảng 25 triệu đồng một năm, đồng thời chất lượng học và các hoạt động thực tế được đảm bảo và cải thiện. Khi đó, sinh viên có thể tìm việc làm thêm để hỗ trợ bố mẹ, đồng thời có cơ hội trải nghiệm chất lượng giáo dục tốt hơn.

Chung quan điểm, chị Thu mong các đại học không tăng sốc học phí, cần thông báo sớm để các gia đình chuẩn bị. Chị cũng cho rằng các trường cần có chính sách hỗ trợ để những sinh viên nghèo không phải bỏ học như ưu tiên ký túc xá, hỗ trợ tìm việc làm thêm, trao học bổng…

Đây cũng là mong muốn của Lê Như. Em cho rằng với xu hướng mỗi năm tăng 10% của các trường đại học, năm nay hoãn nhưng các năm tới khó tránh việc tăng. Do đó, nữ sinh mong nhà nước mở rộng chính sách tín dụng sinh viên để người học có kênh xoay xở học phí, sinh hoạt phí. Hiện nay, chính sách tín dụng sinh viên chỉ giới hạn con gia đình khó khăn, hộ nghèo hoặc cận nghèo, mồ côi hay bệnh tật, tai nạn.

“Em nghe nói TP HCM sắp thí điểm chính sách cho vay mới với sinh viên. Đây là một tín hiệu vui với sinh viên chúng em”, Như nói.